Cát nhân tạo – Lựa chọn mới cho ngành xây dựng

Việc sử dụng cát nhân tạo thay thế cho cát tự nhiên đã không còn quá xa lạ trong lĩnh vực xây dựng trên thế giới, điển hình như Nhật Bản đã áp dụng quá trình này cho hầu hết các công trình kiến trúc, nhà ở cách đây 40 năm. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì đây vẫn là một xu hướng mới và đang dần phổ biến với giới xây dựng trong nước.

Thực trạng cát tự nhiên

Tương tự với các loại tài nguyên khác, cát tự nhiên mặc dù không có giá trị kinh tế cao như kim loại hay khoáng chất, nhưng khả năng thực dụng và vai trò của nó luôn quan trọng và cần thiết cho tất cả các hoạt động xây dựng cũng như kiến tạo cơ sở hạ tầng. Hiện nay, hạ tầng tại các thành phố lại đang trên đà phát triển rất nhanh và mạnh mẽ nên nhu cầu sử dụng cát theo đó cũng không ngừng tăng cao.

Theo thống kê của bộ Xây dựng, thì hiện cả nước có 331 mỏ cát vàng với tổng trữ lượng khoảng 2.079,72 triệu m³. Theo dự đoán, chỉ riêng hoạt động dùng cát tự nhiên để san lấp thì đến năm 2020, trữ lượng cát sẽ không đủ cung ứng cho nhu cầu sử dụng. Đối với cát san lấp, nhu cầu cần từ 525 – 575 triệu m³, hiện trên cả nước có 71 cơ sở khai thác cát san lấp được cấp phép với tổng công suất đạt 4,58 triệu m³/năm, mới đáp ứng được 1,5% nhu cầu hàng năm.

 

“Việc sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu san lấp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu hụt cát, nếu dùng như hiện nay thì chỉ khoảng 10 năm nữa là hết trữ lượng” (Theo ông Lương Đức Long – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng)

Giải pháp thay thế – sử dụng cát nhân tạo

Chính vì thực trạng đáng báo động của trữ lượng cát tự nhiên, nên việc tìm một giải pháp thay thế cho vấn đề này là chuyện vô cùng cấp bách. Hiện nay, Cát nhân tạo chính là lựa chọn tốt nhất để giải quyết tình trạng trên.

 

Cát nhân tạo – cát được nghiền ra từ đá, bắt đầu được đưa vào sử dụng ở Việt Nam từ năm 2001, Viện Vật liệu xây dựng đã đưa ra một công trình nghiên cứu xây dựng quy hoạch sản xuất cát nghiền cho việc khai thác và sử dụng loại cát này, đến nay dự án cát nghiền đang từng bước đi vào thị trường thay thế cho cát tự nhiên và tìm được chỗ đứng trong việc trộn cốt liệu bê tông, vữa xây trát, cũng như sản xuất vật liệu không nung.

Phân tích về ưu thế của cát nhân tạo, các chuyên gia trong ngành cho biết, giá cát tự nhiên và cát nhân tạo không chênh lệch nhiều, nếu doanh nghiệp không tìm được mỏ cát tự nhiên gần công trình mà phải vận chuyển từ xa đến thì chi phí cho công đoạn nghiền đá thành cát nhân tạo sẽ rẻ hơn chi phí mua cát tự nhiên. Cùng với việc sử dụng nguồn cát nghiền từ đá, đã có nhiều phương pháp tái chế, sử dụng lại chất thải để làm cát nhân tạo. Sáng chế này, không những xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường ở bãi thải mà còn tạo ra loại vật liệu mới, tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình.

Mặc dù là giải pháp được xem là tối ưu nhất hiện nay, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng cát nhân tạo được nghiền từ đá, sỏi chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài vẫn chưa thật sự đủ để cung ứng cho nhu cầu sử dụng.

Cần đẩy mạnh chính là công tác quản lý cũng như kiểm soát việc khai thác và tiết kiệm cát, nghiêm cấm triệt để hoạt động khai thác cát trái phép, xúc cát bán ra nước ngoài. Đưa ra những chính sách, phương hướng đúng đắn, hiệu quả để giải quyết vấn đề cũng quan trọng không kém việc xử lý nhanh chóng tình trạng cấp bách trước mắt. Điều mà giới xây dựng mong muốn chính là những giải pháp lâu dài chứ không phải những bước chân ngắn hạn như hiện nay. Đối với cộng đồng cũng có thể tránh xuất hiện những tâm lý lo ngại về chất lượng của loại vật liệu mới ra đời có khả năng ảnh hưởng đến độ an toàn cho công trình xây dựng hay không?

Comments

comments

Cùng chuyên mục

Leave a Comment