Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng do quá trình sản xuất của các lò nung gây ra, vào đầu năm 2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung. Đối với xã hội, đây là một điều tích cực vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường.
Sản xuất vật liệu xây không nung bắt đầu gia tăng
Vật liệu không nung được lựa chọn thay thế cho những vật liệu truyền thống vì tích hợp những đặc điểm phù hợp với thời đại. Quá trình sản xuất vật liệu nung sẽ tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu, không những thế còn ảnh hưởng đến môi trường bởi các khí độc hại, khói bụi được thải ra.
Ngay từ khi ban hành quyết định, tính đến thời điểm hiện nay lượng sản xuất các loại vật liệu không nung phổ biến như: gạch xi măng cốt liệu, bê tông khí chưng áp và bê-tông bọt đã có sự gia tăng đáng kể, đạt được chỉ tiêu mà Chính phủ đã đề ra. Lượng tiêu thụ trong nước cũng ngày càng được cải thiện khiến nhiều nhà đầu tư đã và đang mạnh dạn tham gia vào lĩnh vực này nhằm chiếm lĩnh thị trường, đón đầu xu thế phát triển.
Mặc dù có những khởi sắc nhất định, nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều những cản trở như: thói quen sử dụng vật liệu nung truyền thống, lợi nhuận từ việc sản xuất của các lò nung hay đơn giản nhất là tâm lý ngại úng dụng, thử nghiệm những vật liệu mới thay thế khi chưa thật sự phổ biến với các điểm thi công nhà ở dân dụng nhỏ lẻ.
Hiệu quả kinh tế
Bên cạnh việc giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường, sản xuất vật liệu xây dựng không nung còn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với đặc tính nhẹ, vật liệu không nung trong các công trình xây dựng sẽ giúp giảm tải trọng công trình, giảm chi phí làm móng đến 10%, rất phù hợp cho xây dựng nhà cao tầng. Ngoài ra, đây là loại vật liệu có độ bền, bề mặt nhẵn do đó sử dụng vữa xây, trát ít hơn so với vật liệu đất sét nung, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành xây dựng, tuổi thọ công trình cao, chịu đựng tốt với bão lũ, động đất.
Trong tương lai gần, việc phát triển vật liệu không nung trở thành loại vật liệu xây dựng phổ biến đang là mục tiêu của Chính phủ. Với những ưu điểm chất lượng vượt trội về cường độ, kích thước, lỗ rỗng, ít cong vênh, giá thành cạnh tranh đảm bảo được kỹ thuật, mỹ thuật trong thiết kế và kết cấu xây dựng, vật liệu xây dựng không nung hoàn toàn có thể thay thế được các loại vật liệu nung truyền thống, tạo ra hiệu quả kinh tế cho toàn xã hội và góp phần không nhỏ trong việc hạn chế mức ô nhiễm môi trường và hiện tượng nhà kính.
[…] bài viết liên quan: những bước khởi sắc của vật liệu xây dựng không nung […]